Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc BộViệt Nam. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, và vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam, có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Vị trí địa lý của Tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh có vị trí ở địa đầu đông bắc Việt Nam, lãnh thổ trải theo hướng đông bắc – tây nam. Quảng Ninh nằm cách thủ đô Hà Nội 125 km về phía Đông Bắc[7].
Quảng Ninh tiếp giáp:
- Phía bắc giáp khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc
- Phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ
- Phía nam giáp thành phố Hải Phòng và Vịnh Bắc Bộ
- Phía tây giáp tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn
Các điểm cực của tỉnh Quảng Ninh:
- Điểm cực đông phần đất liền và hải đảo tại: mũi Sa Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.
- Điểm cực tây tại: thôn 1, xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều.
- Điểm cực nam tại: đảo Hạ Mai, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn.
- Điểm cực bắc tại: thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.
Quảng Ninh là 1 trong số 7 tỉnh thành tại Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, nhưng lại là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với nước này.
Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có đa dạng các loại địa hình từ đồng bằng, vùng núi, ven biển… Là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn 2000 hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển, phần lớn chưa được đặt tên. Địa hình của tỉnh đa dạng có thể chia thành 3 vùng[8] gồm có Vùng núi, Vùng trung du và đồng bằng ven biển, và Vùng biển và hải đảo[9].
Vùng núi chia làm hai miền: Vùng núi miền Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái. Đây là vùng nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc, hướng chủ đạo là đông bắc – tây nam. Có hai dãy núi chính: dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.472 m) chiếm phần lớn diện tích tự nhiên các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, dãy Ngàn Chi (1.166 m) ở phía bắc huyện Tiên Yên. Vùng núi miền tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, phía bắc các thành phố Hạ Long, Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc thị xã Đông Triều. Vùng núi này là những dãy nối tiếp hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (1.094 m) trên đất Hạ Long. Cánh cung Đông Triều chạy theo hướng tây – đông ở phía nam và hướng đông bắc – tây nam ở phía bắc, được coi là xương sống của lãnh thổ Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong việc hình thành các yếu tố tự nhiên ở hai sườn bắc – nam.
Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Đó là vùng Đông Triều, Uông Bí, bắc Quảng Yên, nam Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một phần Móng Cái. ở các cửa sông, các vùng bồi lắng phù sa tạo nên những cánh đồng và bãi triều thấp. Đó là vùng nam Uông Bí, nam Quảng Yên (đảo Hà Nam), đông Quảng Yên, Đồng Rui (Tiên Yên), nam Đầm Hà, đông nam Hải Hà, nam Móng Cái. Tuy có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng vùng trung du và đồng bằng ven biển thuận tiện cho nông nghiệp và giao thông nên đang là những vùng dân cư trù phú của Quảng Ninh.
Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2078/2779), đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp và diện tích các đảo chiếm 11,5% diện tích đất tự nhiên. Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bản Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ. Có hai huyện hoàn toàn là đảo là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có hàng ngàn đảo đá vôi nguyên là vùng địa hình karst bị nước bào mòn tạo nên muôn nghìn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú. Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thủy tinh (Vân Hải), có nơi thành bãi tắm tuyệt vời (như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…).
Địa hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20 m. Có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rặng san hô rất đa dạng. Các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển khúc khuỷu kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm năng cảng biển và giao thông đường thủy rất lớn.
Tài nguyên đất
Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào (611.081,3 ha). Trong đó: 10% là đất nông nghiệp, đất có rừng chiếm 38%, 43,8% là diện tích chưa sử dụng tập trung ở vùng miền núi và ven biển, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Với ưu thế của tỉnh miền núi, ven biển, khí hậu ẩm rất thuận lợi cho quá trình sinh trưởng phát triển các loài cây lấy gỗ, lấy nhựa như thông nhựa, thông mã vĩ, keo, bạch đàn… Đặc biệt, với đặc thù điều kiện lập địa trên diện tích đất đồi núi của tỉnh rất thích hợp với các loài cây gỗ quý, đặc sản, cây dược liệu, các loài cây mang tính bản địa. Quảng Ninh có nhiều loại đất. Chiếm diện tích lớn nhất là đất feralit vàng đỏ và đất feralit đồng cỏ thứ sinh phát triển ở địa hình đồi núi thấp.
Đất feralit vàng đỏ có mùn trên núi: loại đất này thường phân bố ở vùng núi có độ cao trên 700m thuộc cánh cung Đông Triều, chiếm 7,8% diện tích tự nhiên. Trên các vùng núi cao độ ẩm khá lớn, nhiệt độ thấp, đá mẹ nghèo base, quá trình phân giải hữu cơ yếu nên lớp lá rụng mục dày, tạo thành tầng mùn cao. Loại đất này khá tốt, đất có màu vàng đỏ.
Đất feralit vàng đỏ trên vùng đồi núi thấp (dưới 700m): loại đất này chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên của Quảng Ninh, phân bố ở hai sườn cánh cung Đông Triều với diện tích 0,44 triệu ha (chiếm 60,3% diện tích đất tự nhiên). Đất có khả năng giữ nước tốt do vậy đất có màu vàng khá điển hình. Tuy nghèo base, chua nhưng không bị đá ong hoá, ở những nơi thực vật bị tàn phá chỉ còn là đồng cỏ, hình thành đất feralit đồng cỏ thứ sinh. Loại này phổ biến ở vùng đồi phía bắc Hạ Long, phía tây Tiên Yên, huyện Bình Liêu, Hải Hà. Đất bị xói mòn, cần hạn chế khai thác bừa bãi, tăng cường chất hữu cơ và vôi cho đất.
Đất phù sa: bao gồm cả vùng phù sa cổ và phù sa mới, phân bố theo dọc quốc lộ 18 từ Đông Triều đến Móng Cái, là đoạn tiếp nối giữa vùng đất mặn ven biển với vùng đất đồi núi thấp, diện tích khoảng 40.105 ha (chiếm 6,6% diện tích đất tự nhiên) phân bố ở Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà. Đặc tính của loại đất này là thường chua, độ phì thấp. Vùng đất phù sa để trồng lúa tập trung ở Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà và lưu vực các sông suối, thung lũng thuộc Tiên Yên, Ba Chẽ. Tuy nhiên, với các loại đất này muốn sản xuất lương thực cần phải giải quyết vấn đề thủy lợi. Một số vùng đất thấp thường bị ngập úng, đất chua.
Đất mặn ven biển: phân bố dọc bờ biển và ven sông Đá Bạc, Bạch Đằng,… có diện tích khoảng 50.900 ha (chiếm 8,4% diện tích đất tự nhiên), đất thường mặn, chua, ngập úng do thủy triều. Một số vùng được khai thác để trồng cói, làm ruộng muối, nuôi thủy sản và trồng sú vẹt.
Đất cát và cồn cát ven biển: có diện tích 6.087 ha (chiếm 0,9% diện tích đất tự nhiên), phân bố ở ven biển, ven các đảo. Vùng quần đảo Vân Hải (Vân Đồn), đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) có những bãi cát trắng dài hàng km hoặc dồn lại thành những cồn nhấp nhô liên tiếp. Giá trị chủ yếu là nguyên liệu cho ngành thủy tinh cao cấp. Loại đất này chỉ trồng phi lao chắn gió.
Đất vùng đồi núi đá vôi ở các đảo, quần đảo: có diện tích 46.627 ha (chiếm 7% diện tích đất tự nhiên). Trong lịch sử phát triển hình thành vịnh đảo, cấu tạo nham thạch của các đảo không đồng nhất, có nơi là các đảo đá vôi, có nơi là đảo đất nên ở đây cũng hình thành các loại đất khác nhau. Nhìn chung, đất có đặc điểm giống đất feralit vàng đỏ trên vùng đồi núi thấp. Trên các đảo đá vôi có độ dốc lớn, xói mòn mạnh, tầng đất mỏng, nhiều nơi chỉ có chỗ trũng hoặc khe nứt. Trên các đảo đất: Tuần Châu, đảo Rều, Ngọc Vừng,… được cấu tạo bởi các đá phiến thạch, sa thạch silic có đất feralit màu vàng đỏ.